Một ngày đầu tháng 2/2023, trong khi chờ chuyến bay từ Sài Gòn về Đà Lạt, tôi lang thang sân bay Tân Sơn Nhất từ đầu nọ đến đầu kia cho hết thời gian. Vì lúc này vừa Tết xong nên vẫn còn nhiều gia đình ríu rít con trẻ, hành lí lách cách. Tôi vừa đi vừa quan sát loanh quanh.
Ngay hàng ghế trước tôi là một ông bố đang địu một em bé tầm 4-5 tháng tuổi.Một tay anh vừa đỡ lấy đầu đứa bé, nghiêng người cúi xuống ba lô dưới chân để lấy ra bình sữa đã pha. Anh ngồi xuống ghế vừa đưa bình sữa vào miệng đứa bé vừa rung rung người dỗ dành con. Dáng vẻ rất ân cần, thao tác thuần thục, ánh mắt yêu thương chẳng khác gì một người mẹ. Anh đi một mình với đứa trẻ cùng mớ hành lí lồng cồng khiến người khác nhìn cũng phải nảy ra thắc mắc và ái ngại hộ anh. Nhưng tôi thấy anh xoay sở rất ổn, không hề lúng túng giống như anh đã rơi vào tình huống này nhiều lần trước đó rồi.
Tôi đi lướt qua anh một đoạn, rẽ vào cửa hàng mua 1 gói xoài sấy dẻo. Tìm 1 chiếc ghế trống, tôi vừa ăn vừa lơ đãng nhìn dòng người qua lại. Phía xa xa, một anh bố đang bồng cô con gái trên tay đi qua đi lại, như anh cũng đang đợi đến chuyến bay của mình. Ông bố này có dáng vẻ của một người công nhân, anh đi cùng 2 người phụ nữ. Tôi đoán là vợ và mẹ anh. Hai người phụ nữa tay vừa lướt điện thoại, miệng vừa cười vừa nói không nguôi. Thỉnh thoảng giật mình quay ra ngó xem bố con anh đang ở chỗ nào. Ông bố vừa bế con, vừa đi lướt các gian hàng nhìn ngắm, cô con gái như đòi bố mua búp bê. Anh nhấc con búp bê lên nhìn nhìn rồi hạ xuống, nói gì với cô bé mà thấy mặt cô buồn hiu, có vẻ giận dỗi. 2 bố con quay về chỗ 2 người phụ nữ ngồi xuống.
Tôi tiếp tục ăn rồi lấy điện thoại ra ngồi lướt. Lúc ngước lên thấy cô bé lúc nãy hớn hở ôm con búp bê trong tay, còn anh thì nhìn con cười nói gì đó. Tôi thấy niềm vui trong mắt bố con họ.
Sự thu hút của tôi lại bị hướng về 1 cặp bố con khác khi họ đi qua chỗ tôi ngồi. Ông bố có bề ngoài hổ báo, xăm trổ kín cánh tay trái, cổ đeo 1 dây chuyền bản to, tóc dài buộc lại phía sau, râu ria khá xồm xoàm, quần túi hộp, áo thun rách vài lỗ kiểu. Anh đẩy chiếc xe đấy trẻ con, bên trên là 1 nhóc chừng 2 tuổi đang ngậm kẹo mút. Đứa trẻ phục trang có chút giống ông bố, nhìn là biết có liên quan không cần test ADN. Họ đi qua tôi rất nhanh nên tôi cũng k kịp để ý nhiều, chỉ chấy chị mẹ đeo cái túi nhỏ, đang nói rất to vào điện thoại và cưới lớn. Có vè như đang buôn chuyện gì khoái trí lắm.
Ngồi chán, tôi lại đi loanh quanh cho đỡ đau lưng. Một cô bé chạy từ phía sau tôi lên, tay kéo chiếc vali khá lớn. Vừa cười vừa gọi ” Bố ơi nhanh lên”. Tôi tránh đường cho cô bé chạy. Phía sau ông bố vẫn bình tĩnh bước nhanh cho kịp con, vừa nói ” bình tĩnh thôi con, vấp đấy”. Cô bé vẫn chưa thôi chạy, thậm chí còn chạy nhanh hơn. Ông bố cũng rảo bước nhanh hơn chút, vẫn để cho con kéo vali, còn mình đi tay không. Chẳng hiểu sao tôi thấy sự yêu chiều, lo lắng trong hình ảnh đó. Nhưng cũng thấy được sự dạy dỗ tinh tế của ông bố nọ với con gái của mình. Nếu con muốn thử, anh để con thử. Chỉ đi bên cạnh động viên, hướng dẫn cho con thôi.
Tôi hay đọc báo mạng, thỉnh thoảng thấy những video đánh ghen ầm ĩ, rồi hàng loạt comment nói rằng ” bọn đàn ông khốn nạn” ” đàn ông bây giờ còn đứa nào ra gì không” rằng “vất cho chó không thèm tha chúng nó”… Đọc tâm sự của các chị các mẹ các em, phần lớn đều than thở chồng tệ bạc, đối xử không ra gì, rồi vân vân và mây mây nữa. Đâu đâu cũng thấy chê bai chẳng mấy khi thấy ai khen chồng.
Tôi nghĩ những gì tốt người ta thường dấu đi, chẳng mấy ai khoe ra biết đâu mất thì sao . Những ngày lễ ngày tết, ai không thấy khoe hoa khoe quà thì những gia đình đó thường êm ấm. Người nào đăng những bó hoa to, những dây chuyện nặng thì phần lớn đều có nhiều điều muốn tâm sự.
Nhìn những ông bố ở sân bay, tôi tin rằng vẫn còn nhiều người đàn ông tốt trên đời, vẫn còn nhiều ông bố thương yêu con, vẫn còn nhiều người chồng thương vợ. Đừng bị mạng xã hội làm mất niềm tin. Hãy quan sát xung quanh mình. Người tốt vẫn còn nhiều lắm.