Thời gian vừa rồi tôi có tham gia làm tình nguyện viên cho tổ chức “Recycle Đà Lạt”. Một tổ chức rất mới, chỉ khoảng 2 tháng tuổi đời. Đó là một tổ chức cộng đồng để giáo dục mọi người về cách phân loại rác thải nhựa và cách tái chế chúng.
Tôi được gặp và làm việc nhóm với các bạn trẻ, chỉ khoảng 18-24 tuổi. Trong đó có Nghi là trưởng dự án với một năng lượng, nhiệt huyết rất cao, rất cháy nhưng cũng rất hiền hòa, điềm tĩnh. Tôi ngồi nghe em nói về những kế hoạch, về các plan em đang làm và sắp triển khai với những định hướng, những bước đi rõ ràng, mạch lạc.
Em mới có 24 tuổi nhưng tôi thấy ở em sự chín chắn, điềm tĩnh hiếm có. Tôi năm nay 40 tuổi nhưng cũng chưa có được những đức tính đó như em. Em trình bày dự án rất trôi chảy, rất tự tin. Em đến tận các trường học, xin gặp hiệu trưởng hoặc những người có vai trò trình bày về dự án, xin được gặp gỡ các bạn học sinh để phổ biến cho các bạn cách để phân loại rác thải nhựa. Em kết nối xin được bãi tập kết rác miễn phí. Em tham gia các tổ chức về mỗi trường và nhận được tài trợ 18.000 $ cho dự án này của em.
Hôm nay em, tôi và 2 bạn khác có một buổi cafe với chủ tịch tổ chức JCI Đà Lạt, một tổ chức cộng đồng kết nối các doanh nhân tại địa phương cũng vì mục đích cộng đồng. Tôi có dịp lắng nghe Trâm, chủ tịch JCI, một bạn kém tôi 3 tuổi chia sẻ về cách làm, cách kết nối, cách vận hành một tổ chức cộng đồng.
Quả thực là rất rất nhiều việc cần làm, từ việc chọn mục tiêu, cách triển khai, làm thế nào để lan tỏa, làm thế nào để vận hành, làm thế nào để kết nối các thành viên, làm thế nào để kêu gọi tài trợ, làm thế nào để duy trì, làm thế nào để liên kết với các tổ chức ở các nước khác, làm thế nào ứng dụng những gì các tổ chức đi trước làm được vào tổ chức của mình… vân vân.
Tôi thấy niềm đam mê rực cháy nơi bạn.Khi nói về dự án, ánh mắt bạn ánh lên vẻ yêu thích, tự hào. Bên cạnh việc kiếm tiền lo cho cuộc sống, cho con nhỏ và gia đình. Bạn còn cống hiến rất nhiều thời gian , tâm sức cho cộng đồng bạn tham gia. chẳng mong gì hơn một xã hội tốt đẹp hơn, nhân văn hơn. Nơi con người biết yêu bản thân, yêu con người, yêu môi trường, yêu thiên nhiên, yêu trái đất.
Rồi một bạn rất nhỏ khác tôi được gặp cũng trong quá trình tham gia dự án, bạn Huỳnh Như . Năm nay bạn là sinh viên năm 2 ngành ” Triết học”. Khi nghe bạn nói vậy tôi có đôi chút sửng sốt, kiểu ” Cái gì vậy, sao 20 tuổi mà lại chọn nghành triết học là sao”. Tôi thấy mình hơi ngớ ra, không hiểu nổi sao 1 cô bé dễ thương nhỏ nhắn, với 2 bím tóc thắt 2 bên, chiếc mũ vải mềm trên đầu khiến tôi liên tưởng đến chiếc mũ tai bèo của bộ đội ta ngày trước, trang phục thoải mái lại chọn 1 nghành học khoai như vậy.
Tôi nhớ lại mình năm 20 tuổi, còn hoang hoải, vô định làm sao. Mà nay, trước mặt tôi một cô bé 20 tuổi sẵn sàng đi 5 chặng xe dài từ Sài Gòn lên tới vùng sâu vùng xa của Gia Lai và các vùng khó khăn khác để triển khai dự án về giáo dục có tên ” No country” do cô bé ấy làm founder.
Tôi nghe cô giải thích về ” Triết học” cho những thắc mắc của con gái 10 tuổi của tôi một cách mạch lạc, rõ ràng và rất có sức thu hút. Tôi nhớ là tôi chỉ biết đến 2 từ ” Triết học” chứ chưa bao giờ biết nó nói về điều gì, dạy ta cái gì, giúp ích cho con người như thế nào và tôi cũng chưa bao giờ hứng thú về nó.
Trong tiềm thức của tôi ” Triết học” là một cái gì đó cao vời lắm, nó nói về những thứ siêu thực lắm, nó dành cho những người cao siêu lắm hoặc giả có những người có học thì cũng bị bắt buộc, để cho qua môn mà thôi. Vậy mà nay tôi được nói chuyện với một cô bé vừa tròn 20 lại tình nguyện chọn học lĩnh vực khó nhằn này. Điều đó làm tôi vô cùng ngạc nhiên và cũng vô cùng thán phục.
Ở tất cả các bạn tôi đều thấy tỏa ra một luồng năng lượng tích cực, một năng lượng của tuổi trẻ, của hoài bão lớn, của sự dám làm, dám cống hiến, dám lựa chọn. Tôi thật sự thấy khâm phục các bạn. Các bạn chắc chắn sẽ có cuộc đời hạnh phúc vì sự dám dấn thân của mình. Tôi luôn mong cầu điều đó đến với các bạn. Tôi thầm chúc các bạn thật nhiều sức khỏe, thật nhiều niềm tin và luôn tràn đầy năng lượng nhiệt huyết.