Tôi biết nói ra điều này sẽ nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Thậm trí ăn gạch đá như chơi. Nhưng đấy là quan điểm của tôi sau khi trai qua 12 năm làm dâu.
Hôm qua, trong khi lướt facebook. Tôi vô tình xem được 2 đoạn chip ngắn của chương trình ” Đối mặt cảm xúc” nói về 2 cặp mẹ chồng nàng dâu đều có mấu thuẫn sâu sắc. 1 cặp thì cô con dâu rất hiền, điềm đạm, nhu mì, cặp còn lại thì cô con dâu khá mạnh mẽ, giọng nói pha chút ồm của đàn ông, 1 chút nhẹ thôi, nhưng có vẻ là người rất hoạt bát, ăn ngay nói thẳng. Cả 2 người đều không thể hòa hợp với mẹ chồng và gia đình chồng nên đăng kí tham gia chương trình nhờ chương trình can thiệp để hàn gắn lại tình cảm, để gia đình được vui vẻ.
Trong 2 cuộc trò chuyện, 2 mẹ chồng đều có lí lẽ riêng, họ nói con dâu cần mở lòng hơn, đừng khép kín giữ khoảng cách làm họ buồn, họ và gia đình họ luôn tôn trọng và đối xử tốt với con dâu. 2 cô con dâu thì nói họ cảm thấy gia đình chồng là nơi họ không thuộc về, họ không cảm thấy được chào đón, được tôn trọng ở đây. Cô con dâu số 1 đã chịu đựng 12 năm như thế, còn cô số 2 hình như là cũng đã 10 năm.
Dưới phần bình luận, hàng ngàn khán giả để lại quan điểm của họ. Đa số đều là những bình luận nói do nhà chồng không ra gì, không coi con dâu là con, nói thì như mía lùi nhưng cư xử thì không giống những gì họ nói. Các bình luận này đa số là của các cô gái trẻ, có lẽ cũng đang làm dâu. Một số ít bình luận bênh các bà mẹ chồng, soi ra thì những khán giả này đều là phụ nữ đã luống tuổi. Có lẽ cũng đang làm mẹ chồng.
Thực ra, cách đây 12 năm khi tôi đi lấy chồng. Tôi cũng chỉ là 1 cố bé khá ngây thơ, vừa tốt nghiệp đại học với cái đầu toàn chữ và chút kinh nghiệm sống non nớt. Còn kinh nghiệm sống sao để hòa hợp với gia đình nhà chồng thì tôi gần như không có tí nào trong đầu. Mẹ tôi, suốt bao nhiêu năm, chỉ nhắc nhở tôi việc học hành chăm chỉ chứ cũng chưa khi nào dạy tôi lấy chồng rồi con về nhà chồng phải thế này hay thế kia. Có chăng chỉ dặn một câu “con cứ coi mẹ chồng như mẹ đẻ là mọi chuyện ổn cả”. Nghe lời mẹ tôi cũng mang cái tâm thế đó về nhà chồng. Rằng ” Mẹ chồng như mẹ đẻ”. Nhưng thực tế dạy tôi rằng mọi chuyện không đơn giản như vậy. Mình muốn coi họ như ” mẹ đẻ” nhưng họ thì không. Không phải cứ muốn làm “con đẻ” của họ mà được.
Chính vì mang tâm thế ” mẹ chồng như mẹ đẻ”, ” Muốn làm con cái trong nhà” ” Muốn được ghi nhận, công nhận” ” muốn cống hiến hết mình” ” muốn chăm sóc khi bố mẹ chồng già đi” ấy mà tôi mất hiều năm sống tủi. Dù không đến mức tủi nhục vì thực tế chồng tôi thương tôi, anh chị em chồng sống xa, không va chạm và họ cũng là những người khá hiểu biết. Chỉ có mẹ chồng là lúc nào cũng xa cách, nói tôi tu mấy kiếp mới lấy được chồng tôi, lo mà giữ. Rằng con cái bà đứa nào đứa nấy đều là kim cương. Mỗi lần tôi hay chồng hỏi han bà toàn nói hất đi , kiểu ” chưa chết được, còn phải nuôi tôi dài”.
Có một thời gian tôi với bà sống chung mà chẳng nói gì nhiều với nhau ngoài câu chào khi đi ra ngoài hoặc khi về nhà. 2 mẹ con cùng đứng nấu cơm mà cũng chả ai nói với nhau câu gì. Sau mẹ chồng tôi nói với người ngoài rằng ” nó khinh người lắm” (do tôi không biết nói chuyện gì với bà, mỗi lần nói thì bà toàn nói hất đi và nhấm nhẳng như tôi nợ bà cái gì).
Do sống chung với mẹ chồng 5 năm, nên tôi cũng hiểu được bà là người không xấu, thậm chí có thể coi là người tốt, khi và giúp đỡ rất nhiều con cháu trong gia đình có công ăn việc làm, có kinh tế khá giả, nhiều người vương trưởng. Chính vì thế trong dòng họ bà rất được coi trọng, tiếng nói của bà rất có trọng lượng, nhiều người phải nịnh bà hoặc nói ngọt với bà. Suy cũng từ hoàn cảnh mà ra. Trong khi tôi trực tính, không nịnh nọt bao giờ. Không nịnh không có nghĩa là tôi không biết nói làm sao cho dễ nghe, cho lọt tai. Nhưnng vốn dĩ bà đã cố tình không đón nhận. Nên nói gì cũng k có ý nghĩa. Với cơ bản là tôi nghĩ người cùng 1 nhà sống chân thành với nhau quan trọng hơn những lời chót lưỡi đầu môi.
Bây giờ tôi không còn sống chung với bà nữa. Chúng tôi đã chuyển đến 1 thành phố phía nam sinh sống do đặc thù công việc. Mẹ chồng tôi giờ sống 1 mình trong căn nhà 4 tầng khá thênh thang. Bà thỉnh thoảng vẫn qua nhà nói chuyện với mẹ đẻ tôi để mong nắm bắt chút tin tức về chúng tôi trong này. Vì tôi không có tiếng nói chung với bà nên 1 năm tôi chỉ gọi điện cho bà 1-2 lần hỏi han sức khỏe rồi thôi, không biết nói gì thêm. Còn chồng tôi dù rất thương mẹ, nhưng anh là đàn ông, nhiều năm sống xa nhà khi còn trẻ nên cũng không gần gũi bà lắm, 1-2 tuần anh gọi một lần, nói khoảng 1-2 phút là anh không biết nói gì hơn, với lại bà hay nói kiểu hất đi nên mỗi lần gọi cho bà tôi thấy anh áp lực.
Thực sự không biết nói sao. Nhưng tôi thấy thương bà. Dù bà không tốt với tôi nhưng không hiểu sao tôi cũng không thấy giận. Dù nhiều lần tôi cũng đã phải chảy nước mắt.
Giờ đây sau 12 năm, tôi không còn là cô bé ngây thơ ngày nào nữa, đã là 1 người phụ nữ chín chắn hơn. Tôi không còn mang tâm thế, phải coi mẹ chồng như mẹ đẻ nữa. Mà tôi cho rằng ” mẹ chồng” là mẹ của chồng, không phải mẹ mình. Vì chồng mình đối xử tốt với mình, với con, và cả với bố mẹ anh em của mình nên mình không làm được như thế với mẹ của anh thì thấy áy náy với anh nên tôi luôn cố gắng hàn gắn mối quan hệ.
Mẹ chồng và con dâu nếu yêu quí nhau được thì quá tốt, còn nếu không hãy duy trì mữc tình cảm trên khách sáo một chút. Có nghĩa là hãy hỏi thăm, quan tâm đến sức khỏe, nhu cầu của nhau. Không tâm sự, không chia sẻ quan điểm. Từ khi mang tâm thế mới tôi nói chuyện với bà thoải mái hơn, không còn kì vọng bà ghi nhận tấm lòng của mình. Bà có ghi nhận hay không không quan trọng nữa, tôi chỉ làm việc mình cho là nên làm. Với lại giờ đây kinh tế vợ chồng tôi đã mạnh lên, không còn như hồi đầu mới cưới. Tôi như thấy mình tự tin hơn trước bà. Tôi chủ động gọi nói chuyện nhiều hơn, cho con nói chuyện với bà nhiều hơn, quan tâm bà hơn. Dù bà vẫn còn nói hất đi nhưng bà cũng đã bớt nhiều, đã đón nhận hơn.
Thực ra, nghĩ kĩ lại tôi không trách hay giận gì bà. Bà vốn dĩ không sinh ra tôi, không chăm sóc tôi ngày nào, không nuôi tôi lớn, không chứng kiến quá trình trưởng thành của tôi, không dạy dỗ gì tôi thì làm sao có thể qua một đêm(ngày cưới của vợ chồng) mà có thể xem tôi như con ruột được. Đấy là còn chưa kể có tôi về, gia đình bà sẽ có đôi chút xáo trộn trong cách ăn uống, cách ngủ nghỉ, cách sinh hoạt… Người con trai bà thương yêu đáng lẽ phải thương bà nhất, nay nó lại thương tôi nhất. Tiền bà vất vả kiếm được nay có khi tôi lại là người hưởng(Trường hợp của tôi thì không phải).
Còn tôi, chỉ vì mang suy nghĩ ấu trĩ là xem mẹ chồng như mẹ đẻ mà tôi tự làm khổ mình. Tôi làm sao có thể yêu thương 1 người hôm trước vừa gọi là bác hôm sau gọi là mẹ như mẹ đẻ. Không phải cứ gọi là mẹ là có thể yêu thương được như mẹ. Nó chỉ là một cách gọi thôi. Tôi không có những kỉ niệm với bà, không được bà bế ẵm, chăm sóc,nuôi lớn. Nề nếp gia phong nhà tôi khác nhà bà, tính cách của tôi đôi khi mẹ đẻ còn bảo cứng đầu, khó bảo. Thực sự tôi đã tự huyễn hoặc bản thân mình.
Từ ngày tôi ý thức được điều đó. Tôi cảm thấy nhẹ nhàng hẳn. Tôi không quan tâm cảm xúc của bà nhiều mà quan tâm cảm xúc của mình hơn. Tôi cho bà thấy là tôi nỗ lực hàn gắn mối quan hệ. Không phải vì muốn được bà yêu thương hơn hay gì mà chỉ là vì bản thân muốn thế. Giống như người ta vẫn nói cho đi là cho đi, không mong cầu được nhận lại gì cả.
Có 1 điều tôi hơi chê trách ở chồng tôi là anh hơi vụng về. Không biết cân bằng đôi bên. Tuy nhiên tôi cũng đặt mình vào anh và tìm lí do thông cảm cho anh nên tôi cũng k giận anh nữa. Chứ hồi đầu anh cũng làm tôi nhiêu phen tức tối.
Thế nên có đôi điều tôi đúc kết lại như sau :
- Đừng mang tâm thế xem mẹ chồng như mẹ đẻ.
- Đừng mang suy nghĩ xem con dâu như con đẻ.
- Mẹ chồng hãy đối xử với con dâu như đối xử với 1 vị khách đến nhà. Nếu được chào đón, vị khách đó chắc chắn sẽ dốc lòng vì con trai và có thể là cả gia đình bà.
- Con dâu hãy đối xử với mẹ chồng như 1 người lớn tuổi đáng kính. Cần lễ phép, quan tâm, hỏi han động viên nếu cần. Ngoài ra chuyện của nhà chồng hãy để chổng xử lí. Có ý kiến hãy nói với chồng để chồng lên tiếng. Đừng can thiệp quá sâu vào chuyện nhà chồng.
- Trước khi lấy chồng hay trước khi có con dâu. Cả mẹ chồng, con dâu và cả người chồng(người con trai) đều phải tự trang bị kiến thức hôn nhân gia đình cho mình. Có thể đối với họ việc làm dâu cũng là lần đầu mà việc làm mẹ chồng cũng không phải nhiều nhặn gì. Nên họ không có kinh nghiệm đối xử, và có thể vô tình gây tổn thương nhau. Làm cuộc sống nặng nề khổ sở
- Tôi mong tất cả mẹ chồng con dâu trên thế gian này đều có thể chung sống hòa thuận, nhượng nhịn nhau vì một gia đình hạnh phúc, vì những đưa trẻ hạnh phúc.