Hôm kia, lúc cả gia đình mình đăng quây quần ăn cơm tối. Con gái lớn kể chuyện trường lớp và có kể rằng: ” Bạn MP nói với con là : ” Tôi rất ngưỡng mộ bà vì bà rất yêu bố mẹ bà””. Tự nhiên mình mất đến 5 giây để load. Dù không nói ra nhưng trong lòng chợt nghĩ rằng ” hóa ra không phải đứa trẻ nào cũng yêu thương cha mẹ chúng ah? Đứa bé đó nói như vậy hẳn là với nó yêu thương cha mẹ là việc gì đó khá khó khăn.Hóa ra không phải cứ là cha mẹ và con cái thì sẽ mặc định yêu thương nhau, sự mặc định đó hình như chỉ tồn tại trong các tác phẩm văn học, còn trong cuộc sống đời thực, tình yêu đó phải được xây dựng, vun đắp và nỗ lực rất nhiều dựa trên sự tôn trọng, sự tin tưởng qua lại lẫn nhau thì phải. Mình chợt như được thức tỉnh”.
Rồi mình nói với con ” Zui quá, tui zui quá nha”. Con gái cười rất vui vẻ và nét mặt tràn đầy sự tự hào.
Rồi thì bữa cơm kết thúc và mình bị những suy nghĩ đó cuốn đi, miên man suy nghĩ về chúng. Mình nhận thấy rằng cha mẹ là niềm thương nhưng cũng là niềm đau của những đứa trẻ. Những bậc cha mẹ tổn thương hoặc không có kiến thức nuôi dạy con cái “vô tình” sẽ tạo ra những đứa trẻ tổn thương theo một cách nào đó.
Chẳng phải bố mẹ mình so với những bố mẹ các bạn cùng xóm ngày xưa là yêu thương , chăm lo cho mình nhiều nhất sao. Đến tận bây giờ khi đăng về bố mẹ trên facebook những đứa bạn hồi nhỏ của mình luôn comment rằng ” rất ngưỡng mộ bố mẹ bà, rất ghen tị với bà vì có được 1 gia đình hạnh phúc, bố mẹ yêu thương nhau, yêu thương con cái”.
Nhưng giờ đây khi nhìn lại, chẳng phải so với chúng bạn, mình là đứa tổn thương nhiều nhất sao. Vì cách giáo dục cứng rắn của bố và cách thờ ơ của mẹ nên mình đã phải chịu đựng cảm giác không được yêu thương cả 40 năm tồn tại trên cuộc đời này(dù thực tế thì bố mẹ cũng khá là yêu thương mình nhưng cách bố mẹ truyền đạt điều ấy khiến đứa trẻ là mình không cảm nhận được). Mình luôn cảm thấy cô đơn và khó kết nối với người khác, khó có được mối quan hệ bình thường với bất cứ ai. Luôn là cảm giác bất an và kì cục, luôn sợ rằng họ sẽ không thích mình hoặc mình sẽ nói hoặc làm gì đó vô duyên.
Theo mình đọc sách thì những điều này là do mình không có được ” sợi dây liên kết” với mẹ khi còn nhỏ. Khi nhớ lại tuổi thơ hình ảnh của mẹ rất nhạt nhòa trong tâm trí mình, mình chẳng bao giờ được mẹ ôm ấp, vỗ về hay động viên. Ngay cả khi mình đi học đại học ở Pháp, mẹ cũng chẳng có chút nhớ mong, lo lắng nào cho mình. Trong cuộc đời mình, mỗi lần mình tâm sự chuyện gì với mẹ thì mình luôn cảm thấy mẹ ở bên kia chiến tuyến. Mỗi lần mình kể chuyện gì với mẹ là mẹ đều khuyên ” thôi con nhịn đi, thôi con đừng làm lớn chuyện lên làm gì”, mình không nhận thấy ở mẹ sự đồng cảm, mẹ luôn sợ người khác buồn chứ không sợ mình buồn. Mẹ không để ý đến cảm xúc của mình. Lâu dần mình không chia sẻ gì với mẹ mà âm thầm chịu đựng 1 mình, lâu dần mình cũng không có thói quen chia sẻ điều gì với ai.
Rồi bố mình, để cho mình khóc ngằn ngặt từ khi mình có vài tháng tuổi, 1 tuổi hay 3 tuổi… mà không hề dỗ dành, không hề vỗ về. Bố để cho mình tự khóc, tự nín. Khóc chán thì nín chứ ai hơi đâu mà dỗ suốt ngày. Sau này khi mình đã lớn bố mẹ kể lại chuyện đó với một tâm thế rất tự hào vì cách làm mới của bố, cách làm khác với mọi người cùng thời vì bố đi Đức và học được điều đó từ người phương Tây. Lúc đó mình chưa hiểu thấy cũng là cách hay và có áp dụng chút ít với Thảo nhà mình. Nhưng giờ đây khi đã hiểu ra mình thấy thật tệ vì đã áp dụng cách dạy đó với con mình, đó là cách làm gây tổn thương nhiều nhất với một đứa trẻ. Cũng may mình áp dụng không nhiều như bố và chồng mình cũng thương con và không đồng ý cách làm ấy của mình. Thật biết ơn anh ấy.
Một đứa trẻ bị bố mẹ thờ ơ, nó chẳng thể hiểu được ý tốt của bố, là muốn mình tự lập, tự chịu trách nhiệm với những thứ mình gây ra. Một đứa trẻ mới có mấy tháng tuổi, 1 tuổi hay 3 tuổi làm sao có thể hiểu được điều to lớn ấy trong đầu bố. Nó chỉ hiểu được rằng, nó khóc mà bố không dỗ, nó buồn mà không được hỏi han, nó đau, nó khó chịu mà không được quan tâm chứng tỏ bố mẹ không yêu thương nó, bố bỏ rơi nó, thờ ơ với nó. Mỗi lần đều như vậy từ năm này sang năm khác, đứa trẻ ấy hình thành một niềm tin rằng : bố mẹ nó còn không yêu thương nó thì trên đời này chắc chẳng còn ai yêu thương nó nữa, nó là một người không đáng được yêu thương. Rồi nó ra sức lấy lòng bố mẹ nó, ra sức làm một đứa con hiểu chuyện ngoan ngoãn để được bố mẹ quan tâm. Sau này lớn lên, nó sẽ ra sức lấy lòng người khác, sống một cuộc đời nhạy cảm với nét mặt người khác mà quên đi bản thân mình. Một cuộc đời đau khổ và hết sức buồn chán.
Rồi mình nhận thấy em trai mình, năm nay đã 34 tuổi nhưng về mặt cảm xúc em ấy như vẫn chưa trưởng thành mặc dù cơ thể vật lý đã là một người đàn ông cao lớn. Em ấy phụ thuộc vào bố mẹ mọi thứ và không đưa ra được quyết định nào của riêng mình. Bố luôn đánh giá thấp em một cách vô tình bằng những lời cửa miệng ” anh thì biết cái gì, anh thì làm được gì” , còn mẹ thì lưu tên em trong điện thoại là ” bờm” dù em đã là bố của 2 đứa con. Thế nên em ấy chẳng thế “lớn” được, lúc nào em cũng cảm thấy mình là một “bờm” con, sống phụ thuộc hoàn toàn vào bố mẹ.
Rõ ràng là bố mẹ rất thương em, thương hơn cả mình nữa vì em là con trai, bố mẹ mình khá trọng nam khinh nữ. Bố mẹ lo cho em mọi thứ, từ công việc đến học hành của em, em làm gì, đi đâu mẹ cũng đều nhắc nhở em đội mũ bảo hiểm, mặc ấm, đeo khẩu trang. Thế nhưng tình thương của bố mẹ vô tình đã làm em không thể trưởng thành một cách đúng đắn. Cái cây là em luôn phải dựa vào những cọc chống xung quanh, không tự vươn lên, bứt phá được.
Còn tình thương của bố mẹ vô tình làm mình trở thành một người tổn thương sâu sắc, khó kết nối xã hội, khó có được những người bạn tốt, khó thành công trong công việc.
Thế nên yêu thương con không đúng cách chắc chắn sẽ tạo nên những niềm đau cho đứa con đó. Đừng có đòi hỏi ở đứa con “tao thương yêu mày như thế mà sao mày đối xử với tao như vậy” mà hãy hỏi nó rằng ” Bố mẹ yêu thương con như vậy, con có muốn nhận tình yêu thương đó không, nó đã đúng cách chưa hoặc con muốn bố mẹ làm gì để con cảm thấy là bố mẹ yêu thương con”. Tuy nhiên cũng cần lý trí, vì không phải đứa trẻ nào cũng hiểu được nguyên lý vận hành của xã hội, nếu cứ chiều theo ý chúng 100% thì lại là sai lầm lớn.
Yêu thương không có nghĩa là áp đặt những kinh nghiệm sống của 40 năm cuộc đời bố mẹ, những điều bố mẹ đã trải qua để rút ra những bài học, lên cuộc đời của đứa con 10 tuổi, với những trải nghiệm non nớt và chưa từng trải qua những gì bố mẹ trải qua. Hãy tự hỏi bản thân, bạn đã bao giờ lặn xuống độ sâu 50m dưới biển chưa? Nếu chưa thì người thợ lặn lành nghề kể với bạn những trải nghiệm của họ bạn có hiểu được không? Nếu bạn cố gắng hình dung và lắng nghe người thợ lặn ấy thật chi tiết đi chăng nữa, thì chuyến trải nghiệm 50m sâu dưới đáy biển của bạn cũng chưa chắc giống hoàn toàn với những trải nghiệm của người thợ lặn kia, vậy thì áp dụng hoàn toàn những kinh nghiệm của người thợ lặn đó liệu có thể giúp bạn an toàn trở lại mặt nước hay không?
Việc truyền đạt kinh nghiệm sống của thế hệ trước cho thế hệ sau là cần thiết và đúng đắn, nhưng hãy dừng ở mức “truyền đạt” và “cảnh báo”, đừng áp đặt và ép buộc. Thế hệ cha ông hãy để cho thể hệ sau không gian để sai, để ngã, để trượt rồi tự rút ra kinh nghiệm. Sau đó họ sẽ đối chiếu lại với những kinh nghiệm được ” truyền đạt” bởi cha ông, nhận ra rằng cha ông mình đúng chỗ nào, sai chỗ nào và sẽ thực sự lắng nghe sâu, trân trọng sâu những kinh nghiệm khác được truyền đạt và biết ơn nó. Thế hệ sau cũng nên lắng nghe, lưu ý, để tâm vào những gì được truyền đạt, không nên bài xích, phản đối ngay từ đầu vì biết đâu những kinh nghiệm đó có thể cứu bạn khỏi những cú trượt ngã cực mạnh, những cú ngã mà để đứng lên lại có thể phải mất nửa đời người của bạn.
Quay lại chuyện của con gái mình. Sau khoảng 1 giờ vui sướng âm ỉ trong lòng. Mình cũng nhân lúc con đang đánh răng mà nói với con rằng ” bố mẹ rất vui, hạnh phúc vì con yêu thương bố mẹ như vậy, nhưng sẽ vui hơn nữa, hạnh phúc hơn nữa nếu con biết yêu thương và trân trọng bản thân mình”. Con gái cười với nét mặt hơi hoang mang. Có lẽ nó nghĩ mẹ lại nói điều sáo rỗng gì vậy. Có ai mà không yêu thương bản thân mình chứ. Nhưng rồi cả con bé và mình đều không nói gì thêm nữa.
Nhưng mình nghĩ rằng mình sẽ lại tìm một cơ hội khác để nói với con rằng. Mẹ cũng từng như con ấy, mẹ cũng nghĩ sao sách báo rồi pháp thoại cứ nói cái gì không, chứ có ai trên đời này mà lại không yêu thương mình đâu. Thực ra thì, 40 năm rồi và đã từng trải qua 1 biến cố rất lớn trong tâm thức mình mới hiểu được rằng. Hóa ra trên đời này có rất rất nhiều người không biết yêu thương bản thân, họ sẵn sàng làm mọi điều cho người khác vui mà không bận tâm đến sự chán nản của bản thân khi phải làm việc đó, họ buồn nhưng nhanh chóng vùi lấp nó xuống đáy để thay bằng những bộ phim hay, những cuộc điện thoại cả tiếng với bạn bè, hoặc những cuộc nhậu khó tìm thấy hồi kết, họ muốn khóc mà bị nói rằng ” con trai ai lại khóc” vầy là họ thôi, dù nỗi đau đó vẫn lấp đầy tim họ, họ yêu một người nhưng sẵn sàng quỵ lụy van xin khóc lóc hoặc kiểm soát hết điện thoại, ipad của người đó đánh rơi cả lòng tự trọng của bản thân, họ thương con họ, làm hết mọi thứ cho nó, bắt nó học ngày học đêm những cuối cùng nó không thành đạt, họ tự trách bản thân đã không làm đủ tốt, sếp mắng họ ghi thù trong lòng 10 năm giống phim kiếm hiệp mà không biết trong 10 năm đó họ đã phải lao tâm khổ tứ thế nào, hao tổn năng lượng ra sao chỉ vì một người không thân thích, họ bị hội chứng FOMO, đám đông không rủ họ tham gia sự kiện nào đó là họ thấy bứt rứt, suy diễn hàng ngàn lý do, đánh rớt cả liêm sỉ chỉ để được tham gia vào 1 bữa tiệc có lẽ mang lại niềm đau nhiều hơn niềm vui, găp ai cũng khen đáng yêu quá dù trong lòng thấy ghét ghê…Một điểm chung của những người không yêu thương bản thân mình là đặt cảm xúc của người khác lên trên cảm xúc của bản thân, không coi trọng cảm xúc của mình.
Vậy để yêu thương bản thân thì có lễ cũng không quá khó nhỉ : nếu thấy yêu thì nói là yêu, nếu thấy buồn thì hãy khóc, nếu thấy thất vọng thì hãy công nhận cảm xúc ấy, nếu thấy vui thì hãy cười thật lớn lên. Tóm lại, nếu thấy những cảm xúc tiêu cực thì hãy dành cho mình 1 khoảng thời gian, để quan sát, cảm nhận những cảm xúc ấy giống như mình đang quan sát một vật thể hữu hình vậy, hãy gọi tên cảm xúc ấy ra và thật kì diệu là nó sẽ nhanh chóng tiêu tan mất, nếu thấy những cảm xúc tích cực thì đừng ngại sẻ chia.
Ngoài ra không ngại bộc lộ bản thân, mặc đẹp thì hãy khoe, muốn nói thì cứ nói, có thành tích tốt hãy công bố, thành tích chưa tốt cũng không ngại ngần thừa nhận… Tất cả những điều nó nếu xuất phát từ cái tâm thuần khiết thì sẽ rất tuyệt vời, mọi người sẽ cảm nhận được điều đó, không cần thanh minh, chẳng cần giải thích. Là như vậy đó con. Đừng quên tâm thức thuần khiết luôn có sẵn trong con, đừng để nó bị những tổn thương, những lớp phòng vệ che khuất mất, việc của con là tìm về và sống cuộc sống của con với tâm thức ấy, cuộc sống sẽ rất tuyệt vời con yêu ah.