Chắc chắn hầu như tất cả mọi người đều trả lời rằng “Không, không và tuyệt đối không”.
Thực ra, lúc trước tôi cũng có cùng quan điểm này. Nên khi có gì căng với chồng mà có con ở đấy, tôi sẽ hoặc là kiềm xuống một cách rất khó khăn hoặc tôi sẽ bỏ đi ra chỗ khác. Và vấn đề của tôi với chồng hoặc là được chất lên trong lòng tôi mỗi ngày một ít hoặc là làm 2 vợ chồng chiến tranh lạnh cả tuần sau đó.
Còn con tôi thì chắc chắn học được một điều rằng ” có vấn đề cách tốt nhất là lảng tránh, không nên đối diện với nó”. Rồi bản thân con cũng phải chịu đựng sự căng thẳng trong gia đình khi bố mẹ có chiến tranh lạnh, con sẽ không thấy vui và thoải mái. Sự căng thẳng cảm nhận được trong không khí.
Sau này, trong một lần không kềm chế được, tôi và chồng đã cãi nhau rất to trước mặt con. Anh đã rất nóng giận hất tung cái bàn lên. Còn tôi thấy anh nóng quá thì cũng lặng lẽ quẩy gót lên nhà chứ không tiếp tục tranh cãi nữa. Nhưng trong lòng tôi rất nhẹ nhõm vì đã nói được những điều muốn nói, còn chồng tôi sau đó cũng nhanh chóng ổn định lại cảm xúc và chiến tranh lạnh lạ kì thay đã không xảy ra những ngày sau đó.
Chuyện xảy ra làm tôi rất lo lắng ảnh hưởng đến con. Sợ con thấy bố mẹ cãi nhau như vậy thì ảnh hưởng tâm lí. Tôi đã ngồi lại và chủ động gợi chuyện với con về cuộc tranh cãi của chúng tôi. Đầu tiên tôi đã xin lỗi con về việc đó, rằng chúng tôi cả 2 đều nóng giận quá, mong con hiểu và thông cảm cho chúng tôi. Chúng tôi không cố ý làm tổn thương con mà chỉ đang cố gắng giải quyết vấn đề.
Con nói với tôi rằng “con chỉ mong bố mẹ lần sau có cãi nhau thì cũng đừng động tay động chân, cần nói chuyện với nhau một cách hòa bình hơn, giải quyết vấn đề cũng có nhiều cách. Con thích bố mẹ thẳng thắn như vậy hơn là cố tỏ ra như không có gì. Con cảm ơn mẹ vì đã giải thích cho con hiểu, cám ơn mẹ đã quan tâm đến cảm xúc của con”. Tôi như bừng tỉnh.
Đúng vậy, giải quyết vấn đề cũng có nhiều cách, tốt nhất là nên nói chuyện bình tĩnh hơn, nếu vấn đề chưa được giải quyết ngay lúc đó thì ta có thể tiếp tục giải quyết vào lúc sau đó hoặc lúc nào đó thích hợp hơn khi cảm xúc đã lắng xuống. Nhưng cũng đừng im lặng chịu đựng hoặc lảng tránh vấn đề ngay cả khi có mặt con ở đó.
Nhưng tôi khuyến cáo các bậc cha mẹ, tuyệt đối không đánh nhau, không chửi thề chửi bậy, không dùng lời lẽ xúc xiểm, hạ nhục nhau trước mặt con. Có thể tranh cãi, gay gắt cũng được nhưng hết sức tránh động tay chân.
Sau các cuộc tranh cãi cần ngồi lại nói chuyện nghiêm túc với con, có thể xin lỗi con nếu cần thiết, nói cho con hiểu rằng trong cuộc sống không tránh được những lúc có bất đồng quan điểm, ngay cả với người thân trong gia đình, chứ chưa nói đến người ngoài. Chúng ta cần tìm cách giải quyết, không nên né tránh vấn đề. Có nhiều cách để giải quyết vấn đề ấy. Cần rút kinh nghiệm để lần sau cách giải quyết vấn đề nhẹ nhàng hơn mà hiệu quả hơn lần trước.
Những đứa trẻ bây giờ càng ngày càng thông minh. Chúng có thể hiểu đời, hiểu sự hơn người lớn chúng ta tưởng. Chúng còn có thể là người thầy của chúng ta trong một vài lĩnh vực nào đó. Quan trọng là hãy tôn trọng chúng, để ý đến cảm xúc của chúng, chia sẻ với chúng như với 1 người bạn thân. Giúp con cái thấu hiểu cha mẹ, cha mẹ gần gũi con cái. Gia đình cũng nhau vững bước đi lên.