Đêm 31/10/2021 đột nhiên mình mất ngủ, không vì lý do gì cả. Tối hôm trước đó mình vẫn ngủ bình thường. Rồi đêm 1/11/2021 mình cũng trằn trọc cả đêm, quay ngang quay dọc không tài nào ngủ được. Măt cứ trong trong và đầu thì căng đét.
Rồi những cơn hoảng sợ xuất hiện, mình không thể nằm cùng chồng con được nữa mà chạy sang phòng bên cạnh, rồi hôm sau lại chạy xuống phòng dưới nhà. Mình muốn tránh xa con mình, không muốn nhìn thấy bé nhất là bé nhỏ hơn vì tự nhiên mình thấy rợn rợn với dao kéo, tự nhiên những suy nghĩ như cầm dao làm hại con mình ( bé nhỏ) xuất hiện. Không hiểu chúng ở đâu ra. Trước đó mình chưa bao giờ để tâm đến dao kéo hay có cảm giác sợ sệt gì cả. Mình đã rất hoảng loạn.
Tiếp sau đó là 1 tháng trời mình không thể ngủ được, thức trắng đêm, người gầy sọp đi, hai mắt thầm quầng, đầu tóc xơ xác, tâm trí lúc nào cũng mơ hồ, ảo diệu như sống trong một thế giới khác. Có những cơn hoảng loạn xuất hiện, cơ chân phải căng cứng, ruột gan cuộn lên thành từng lớp sóng trào. Mình tránh xa bếp núc và dao kéo, không thể nấu ăn chăm sóc gia đình được nữa. Mình đã vô cùng khổ sở,có nhiều lúc mình đã cầm chặt tay chồng và lắc thật mạnh trong khi cầu khẩn ” anh cho em đi chết đi, em muốn chết, em không thể sống thế này được”. Lúc đó thực sự là mình đã muốn chết đi cho đỡ phải chịu đựng tất cả những điều này.
Rất may là mình có chồng luôn ở bên chăm sóc, động viên,ủng hộ. Có các em trông nom giúp các con mình. Nếu không mình không biết chuyện gì sẽ xảy ra nữa.
Từ đó đến nay đã là 2 năm 3 tháng. Sau đi nghe lời chồng đi điều trị ở bệnh viện 1 tháng, lấy thuốc về uống cùng với đọc sách và chấp nhận bản thân. Mình dần lấy lại được cân bằng của cuộc sống.Thế nhưng cảm giác rợn rợn với dao kéo vẫn còn. Mỗi khi mình nấu cơm trong khi sử dụng dao để cắt đồ mình vẫn luôn thấy 1 cảm giác ớn lạnh. Tuy nhiên mình đã thoát ra được khủng hoảng nên mình không còn quá sợ nó như lúc trước nữa, nhưng một cảm giác ghê ghê thì vẫn còn.
Mình luôn tự hỏi bản thân, tại sao tự nhiên mình lại sợ dao kéo đến thế? Có lý do nào chăng? Cơ thể và tâm trí đang muốn gửi cho mình một thông điệp gì qua hình ảnh đó chăng? Từ khi mình biết được những cơ chế phòng vệ của tâm trí là để bảo vệ bản thân tránh gặp lại phải những tổn thương, thì mình đã hiểu rằng những cảm xúc tiêu cực, những hành vi tiêu cực và cả những cảm giác tiêu cực là vì cơ thể muốn nói với mình điều gì đó, muốn mình lưu tâm và giải quyết vấn đề gì đó, một cảm xúc mắc kẹt nào đó. Thế nên mình luôn đặt câu hỏi là ” tại sao mình lại sợ dao kéo đến vậy?”
Trong hơn 2 năm, mình cũng hay trăn trở vì điều đó, khi các cảm xúc tiêu cực, những hành vi và những năng lương tiêu cực dần được mình chữa lành, mình đã cảm thấy tốt hơn rất nhiều thậm chí so với lúc chưa rơi vào khủng hoảng thế nhưng mình vẫn luôn ý thức ” cảm giác dao kéo chưa mất đi chứng tỏ mình vẫn còn điều gì đó lăn tăn với nó, nó vẫn đang muốn mình quay về, lý giải nó, chắc chắn có điều gì đó chưa được hóa giải”. Mình vẫn mang sự lấn cấn đó trong lòng nhưng chưa hóa giải được.
Tuần trước khi nghe lại đoạn ghi âm của khóa học của thầy Điệp VCP, thầy có nhắc đến quyển ” 5 tổn thương”. Mình search shoppe và mua về 2 quyển ” nhận diện 5 tổn thương và chữa lành 5 tổn thương” của tác giả Lise Bourbeau, người Canada. Bình thường mình đọc khá lâu mới xong 1 cuốn sách mà cuốn 5 tổn thương này mình chỉ mất 2-3 ngày để đọc xong. Cuốn sách nói về 5 tổn thương chính của con người : Bị phủ nhận, bị bỏ rơi, bị sỉ nhục, bị phản bội,bị bất công.
Với những quán chiếu tổn thương từ thời thơ ấu mà mình vẫn nghĩ từ trước đến giờ thì mình cho rằng mình bị ” bỏ rơi” . Bỏ rơi ở đây không có nghĩa là bị vất ra ngoài đường không nuôi nữa mà là bỏ rơi về mặt ” cảm xúc”. Tức là bố mẹ mình đã không biết đến những cảm xúc của mình, những mong chờ của mình nên mình cảm thấy mình bị bỏ rơi, chứ thực chất bố mẹ không có bỏ rơi mình. Những cảm giác của mình vào lúc đó tạo ra những tổn thương cho mình, những tổn thương đó theo mình rất nhiều năm trong cuộc đời và đã làm khổ mình rất nhiều.
Nhưng trong khi đọc cuốn sách, mình nhận thấy rằng mình chỉ có một số những triệu chứng nhỏ của ” bỏ rơi”, còn đa phần những gì thể hiện ở mình lại là tổn thương ” bị phản bội”. Thực sự là khá bất ngờ. Trong khi đọc chương ” bị phản bội” có một khoảnh khắc tự nhiên cảm giác sợ dao kéo của mình nổi lên, rồi một hình ảnh ” 1 con dao nhọn đâm vào tim mình” chợt vụt qua đầu. Rất nhanh, có khi chỉ nửa giây thôi.
Vậy là mình bắt lấy khoảnh khắc ấy tự hỏi bản thân ” dao kéo với phản bội” có liên quan gì đến nhau không? Rồi như chợt vỡ òa ra, mình thấy rằng dao kéo chính là biểu tượng của phản bội. Hình ảnh ” đâm sau lưng” chính là ” phản bội” mà muốn đâm thì phải có “dao kéo”. Hóa ra là vậy, cơ thể và tâm trí luôn muốn nói với mình rằng “mình có tổn thương phản bội” cần được quan tâm chữa lành, mình cần lưu ý đến những cảm xúc của tổn thương “phản bội”.
Rồi thì tự nhiên trong đầu mình xuất hiện hình ảnh : 1 em bé gái 5 tuổi, là mình, đang ngồi thu lu dưới chân của 1 cái giường nhỏ khoảng 1m2 của bệnh viện. Chiếc giường đó nằm trong 1 căn phòng có 6 chiếc giường như vậy. Phía trên của chiếc giường là mẹ của mình đang rất đau bụng chờ sinh em mình, mẹ khá đau đớn và mình thì khá biết điều, ngồi thu lu một góc dưới chân, không dám quấy rầy chỉ quan sát là mẹ đang rất đau. Một cảm giác hình như là hơi buồn thì phải xuất hiện trong lòng cô bé đó, mọi người không ai chú ý đến em, em giống như người thừa. Có ai đó nói với em là đi về bên bác Nga đi nhưng em không đi, em cảm thấy em phải ở cạnh mẹ khi mẹ đau như vậy, em cảm thấy mình cần phải có trách nhiệm giúp mẹ bớt đau nhưng em không làm gì được, em cảm thấy hơi bất lực. Một lúc sau, chợt nghe cô y tá hay bác sĩ nào đó nói to ” con trai rồi nhé, con trai rồi nhé”(hồi đó chưa có siêu âm như bây giờ) vậy là em thấy 2 cánh mũi bố phổng to (mỗi khi bố vui thích sẽ hay như vậy), cười rất tươi mà nhanh chóng đi mua 5 chai bia Hà Nội(hồi đó rất hiếm va đắt) cùng với bánh chưng, bánh giậm (hình khối tam giác, nhỏ bằng bàn tay) để bồi dưỡng bác sĩ, y tá sau ca mổ cho mẹ. Có một nỗi vui mừng nhưng cũng hơi man mác buồn cho tâm khảm cô bé đó mà lúc đó em không nhận ra. Em cảm thấy bị bố mẹ ” phản bội” khi dành hết sự lo lắng cho em trai.
Sau đó một thời gian, khi em trai được đưa về nhà. Khi chiếc giường trở nên chật chội với 4 thành viên cũng lúc thì bố đã yêu cầu em lên gác ngủ, nhưng em rất sợ vì gác rất tối và rộng, lại còn rất nhiều đồ linh tinh. Em luôn cảm thấy có ma nấp sau những đống đồ đó. Vậy là em không chịu, em xin bố mẹ cho ngủ dưới chân giường. Vậy là 1 nhà 4 người trên chiếc giường nhỏ xíu, bố mẹ 2 bên, em trai nằm giữa bố mẹ còn em thì năm dưới chân giường. Do vướng chân bố mẹ nên dáng nằm của em co ro và không thoải mái. Đôi mắt em buồn nhưng khá biết thân biết phận, không dám đòi hỏi gì.
Thì ra tất cả những điều này đã làm nảy sinh trong em cảm xúc ” bị phản bội”. Và chắc chắn là trong cuộc sống về sau có rất nhiều tình huống khác củng cố cảm xúc này trong em nên em đã này sinh những mặt nạ, những cơ chế phòng vệ khác nhau. Điều làm em rất mệt mỏi về sau này.
Từ khoảnh khắc kết nối được tổn thương ” phản bội” với ” dao kéo”, tự nhiên cảm giác sợ dao kéo trong mình vơi đi đáng kể. Thật lạ lùng. Dường như tâm trí và cơ thể đã dẫn dắt mình tới đích, chỉ cho mình thấy mình có tổn thương gì, cần làm gì để chữa lành qua hình ảnh dao kéo rồi nên giờ hình ảnh đó hết tác dụng và nó đã biến đi. Thật là kì diệu. Cơ thể và tâm trí của con người quá là thông minh,như có 1 vị thần trong thân xác mỗi người, vị thần đó luôn báo hiệu và gửi những thông điệp hướng dẫn ta về những tổn thương còn mắc lại, cần lưu ý chữa lành để có một cuộc sống an yên hơn.
“Rất cảm ơn, biết ơn vị thần trong tôi. Tôi xin lỗi vì biết đền ngài quá muộn, hãy tha lỗi cho tôi, tôi cám ơn vì ngài luôn đồng hành với tôi, thương yêu vô cùng”.